Việc xác định khả năng chịu nhiệt của inox thép không gỉ rất quan trọng, bởi vì mỗi loại thép có tính chịu nhiệt khác nhau và chúng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của công trình, sản phẩm cuối cùng.

Do đó, rất cần phải cẩn trọng và xem xét kỹ về khả năng chịu nhiệt của từng loại inox, đặc biệt là trong ngành công nghiệp kiểm soát dòng chảy của chất lỏng và khí. Nếu chọn sai loại inox, có thể gây ra các sự cố nguy hiểm.

Khả năng chịu nhiệt của inox 304

Inox 304 có khả năng chịu nhiệt không liên tục từ 870 đến 920 độ C. Tuy nhiên, để đảm bảo độ bền cho inox này, cần giới hạn nhiệt độ sử dụng, không nên chọn inox 304 cho những sản phẩm yêu cầu chịu nhiệt cao hơn khả năng của nó.

Nếu inox 304 bị phơi nhiệt quá ngưỡng cho phép trong thời gian dài, khả năng chống oxy hóa (tức tính chống ăn mòn) của nó sẽ bị giảm, làm tăng quá trình ăn mòn và ảnh hưởng đến độ bền của sản phẩm.

Khả năng chịu nhiệt của inox 316

Có nhiều người nhầm lẫn khi nghĩ rằng inox 316 chịu ăn mòn tốt hơn 304 thì cũng có nghĩa là chịu nhiệt tốt hơn và có thể thay thế cho inox 304 với mong muốn là sản phẩm tạo ra đạt hiệu quả cao nhất về tính chịu nhiệt.

Nhưng thực tế không phải vậy, khả năng chịu nhiệt của inox 316 và inox 304 là tương đương nhau, thậm chí inox 316 có phần kém hơn 304. Do đó cần phải cân nhắc lựa chọn inox phù hợp với các sản phẩm đòi hỏi tính chịu nhiệt cao.

Khả năng chịu nhiệt của inox 330

Nhờ hàm lượng Niken và Crom cao cùng với quá trình xử lý nhiệt tốt, đã giúp cho inox 330 trở thành hợp kim thép không gỉ có tính chịu nhiệt cao nhất, lên đến 1.093 độ C (2.000 độ F).

Mặc dù Inox 330 chịu nhiệt tốt nhưng nếu phải sử dụng ở ngưỡng nhiệt độ cao liên tục, sẽ dẫn đến việc giảm tuổi thọ của nó. Vì vậy chỉ nên dùng hợp kim này cho những ứng dụng chịu nhiệt < 1.000 độ C.

Khả năng chịu nhiệt của inox 309

Inox 309 có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với inox 304 và inox 316 nên cũng thường được lựa chọn để phục vụ cho các ứng dụng chế tạo lò đốt, lò hơi, đường ống chịu nhiệt, bộ phận lò đốt và lò gia nhiệt.

Cụ thể, thép không gỉ 309 chịu được nhiệt độ không liên tục là 980°C và liên tục là 1.095°C. Để đạt được điều này, inox 309 phải chứa một lượng lớn hợp kim Crom và Nickel.

Khả năng chịu nhiệt của inox 310

Thép chịu nhiệt 310s được đánh giá là hợp kim tốt nhất về độ cứng và tính chịu nhiệt, vì bên cạnh một lượng lớn Crom và Niken, inox này còn chứa cả Silic và Mangan. Nó chịu được nhiệt độ gián đoạn là 1.025°C và liên tục là 1.150°C.

Tuy nhiên giá inox 310 tương đối cao hơn so với nhiều loại inox khác, cũng như khó gia công hơn, vì vậy việc sử dụng thép chịu nhiệt 310s hay không cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng theo từng trường hợp cụ thể.

Khả năng chịu nhiệt của inox 410

Inox 410 có khả năng chịu nhiệt tương đối thấp, chịu nhiệt gián đoạn là 815 độ C và liên tục là 705 độ C, nếu so với inox 304 thì inox 410 chịu nhiệt còn kém hơn.

Lý giải cho điều này là vì inox 410 không chứa Niken – một hợp kim quan trọng quyết định một phần đến khả năng chịu nhiệt của inox. Vì vậy với những ứng dụng chịu nhiệt cao, inox 410 không phải là lựa chọn phù hợp.

Khả năng chịu nhiệt của inox 420

Inox 420 cũng là hợp kim không chứa Niken, có khả năng chịu nhiệt ở mức độ trung bình (gián đoạn là 735 độ C và liên tục 620 độ C). Tương tự như inox 410, inox 420 cũng không phù hợp cho những ứng dụng chịu nhiệt cao.

Nhưng bù lại, inox 420 lại có đặc tính dẻo và chống ăn mòn tốt nên thường được sử dụng trong các ứng dụng chịu mài mòn, độ cứng và độ bền cao như sản xuất thiết bị y tế, dao kéo, lưỡi cắt, van kim.

Khả năng chịu nhiệt của inox 321

Giống như inox 310, 321 cũng được đánh giá cao về tính chịu nhiệt và độ kháng ăn mòn. Inox 321 được coi là một trong những lựa chọn tốt nhất và có hiệu quả cho các ứng dụng yêu cầu tính chịu nhiệt và độ bền cao.

Một ứng dụng cụ thể của inox 321 là trong sản xuất máy bay như chế tạo các bộ phận động cơ, bộ phận đốt cháy, các ống dẫn khí, ống xả, ống liền mạch và các bộ phận chịu nhiệt khác.

Khả năng chịu nhiệt của inox 201

Inox 201 không phải là vật liệu lý tưởng cho các ứng dụng yêu cầu chịu nhiệt liên tục, độ bền của inox 201 sẽ giảm dần nếu phải tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài.

inox 201 thường được sử dụng để chế tạo các sản phẩm không cần chịu nhiệt như chậu rửa bát, tủ bếp hay những đồ gia dụng đơn giản khác. Nếu cần loại inox có khả năng chịu nhiệt tốt nên chuyển qua inox 304, 316 hoặc 310.

Khả năng chịu nhiệt của inox 430

Inox 430 có khả năng chịu nhiệt trung bình và thấp hơn so với cả inox 304 và 316. Nhiệt độ làm việc tối đa của inox 430 chỉ ở mức khoảng 870 độ C trong một thời gian ngắn.

Vì vậy trong công nghiệp inox 430 thường dùng để chế tạo bộ phận máy móc ở vị trí không tiếp xúc với nhiệt độ cao như vòi nước, ống thông gió, điều hòa, tấm lót cho phụ kiện ô tô.