Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và bình ổn giá mặt hàng này.
Giá thép tăng 40-50% so với cuối năm ngoái khiến không ít doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn. Tại cuộc họp về điều hành giá những tháng cuối năm 2021 mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Bộ này cũng cần đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Tăng sản lượng sản xuất các sản phẩm thép cũng là khuyến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) gửi tới các doanh nghiệp hội viên. Bốn tháng đầu năm sản lượng sản xuất thép thô tăng 17,4%, thép cán tăng gần 62% so với cùng kỳ.
VSA đề nghị các doanh nghiệp tổ chức lại hệ thống phân phối để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng nhu cầu thị trường. “Các doanh nghiệp nên tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá trên thị trường”, VSA đề nghị.
Về nguồn nguyên liệu sản xuất, hiệp hội này đề nghị các doanh nghiệp nên ưu tiên nguyên liệu, thép thô trong nước, thay vì nhập khẩu giá cao. VSA dự báo, cầu về thép trong nước trong tháng 5 vẫn tốt, nhưng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng sẽ lớn hơn. Giá bán thép vẫn tiếp đà tăng khi giá nguyên liệu thế giới chưa có dấu hiệu dừng.
Trước đó, giải thích về việc giá thép tăng phi mã, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào thế giới. Gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên toàn cầu. Chưa kể, ảnh hưởng của Covid-19 nên thời gian giao hàng kéo dài… đẩy giá thép trong nước tăng cao.
Dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiệu loại nguyên liệu để sản xuất thép, như hơn 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao; thép phế liệu khoảng 6 – 6,5 triệu tấn cho các lò điện; than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn…